Chế độ dinh dưỡng dành cho người bị bệnh thiếu máu

Chế độ dinh dưỡng dành cho người bị bệnh thiếu máu

Thiếu máu là bệnh lý có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào từ trẻ em tới người già. Thiếu máu có thể gây ra rất nhiều tác hại gây nguy hiểm tới sức khỏe con người. Chính vì vậy khi bị bệnh thiếu máu người bệnh cần đặc biệt lưu ý về chế độ dinh dưỡng của mình. Người thiếu máu cần phải có chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất nhằm bổ sung lượng sắt còn thiếu.

Bệnh thiếu máu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu là cơ thể không cung cấp đủ sắt như tăng nhu cầu sắt. Hoặc cơ thể không cung cấp đủ sắt, cơ thể giảm hấp thu sắt. Ngoài ra, thiếu sắt còn có thể do mất máu mãn tính. Có thể kể đến các bệnh lý như tan máu trong lòng mạch, xuất huyết dạ dày tá tràng,….

Người bị thiếu máu thường có các triệu chứng như da dẻ xanh xao, vàng vọt. Niêm mạc nhợt nhạt, lưỡi có màu nhợt và nhẵn do mòn hoặc mất gai lưỡi. Ngoài ra người bệnh còn xuất hiện các dấu hiệu như móng chân tay, lông tóc khô cứng, dễ bị gãy. Đặc biệt, người bệnh thường mệt mỏi, hay tức ngực, hoa mắt chóng mắt, khả năng vận động kém.

Như vậy có thể thấy rằng, bệnh thiếu máu rất nguy hiểm có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe. Vậy người bị bệnh thiếu máu nên ăn gì tốt, chế độ dinh dưỡng thế nào là phù hợp? Hãy cùng chuyên mục sức khỏe dinh dưỡng tìm hiểu vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Bệnh thiếu máu là bệnh gì?

Thiếu máu là tình trạng giảm lượng hemoglobin trong máu của người bệnh so với người  cùng lứa tuổi và điều kiện sống. Bệnh gây ra các biểu hiện thiếu ôxy ở các mô và tổ chức của cơ thể. Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng hay gặp nhất. Bệnh tập trung chủ yếu ở phụ nữ có thai, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ và đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi.

Người bị thiếu máu cần đối giữa protein động vật và thực vật

Chế độ dinh dưỡng dành cho người lớn khi bị thiếu máu

Đảm bảo ăn cân đối và đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Người bị thiếu máu cần đối giữa protein động vật và thực vật. Cải thiện chất lượng bữa ăn đảm bảo cung cấp đủ chất sắt theo nhu cầu khuyến nghị.

Nguyên tắc trong chế độ dinh dưỡng

  • Tăng cường sử dụng nhóm thực phầm cung cấp Protein có chứa nhiều sắt. Bên cạnh đó là thực phẩm giàu acid folic và các vitamin đặc biệt là vitamin nhóm B.
  • Nên lựa chọn các loại thịt có màu đỏ như thịt bò, thịt bê, gan, tiết, thịt lợn, thịt gà tây… Nên sử dụng 45 – 60 g protein/ ngày tương đương 200-300g thịt/ ngày.
  • Nên ăn các loại thủy hải sản như: cá thu, cá hồi, nhóm nhuyễn thể có vỏ : hàu, sò, ốc… đảm bảo ăn 2 – 3 bữa thủy hải sản/ tuần.
  • Thường xuyên ăn trứng bởi trứng có đầy đủ các chất dinh dưỡng protein, Lipid, Glucid. Đặc biệt trong lòng đỏ của trứng còn có chứa một lượng đáng kể sắt, canxi, kẽm, vitamin A… Một tuần nên ăn 2 – 3 quả trứng.
  • Lựa chọn các loại rau họ cải như rau cải chân vịt (cải bó xôi), cải xoong, súp lơ xanh, …. Một ngày nên sử dụng từ 300 – 400g (tương đương với 1 bát con rau/ bữa).
  • Ăn nhiều thực phẩm thuộc nhóm đậu, đỗ và các loại hạt: đậu hà lan, đậu tương, lạc, hạt điều, hạnh nhân,…
  • Sử dụng các loại quả chín, quả mọng: cherry, dâu tây, nho, việt quất, lựu… Các loại quả này không chỉ giàu sắt mà còn chứa nhiều vitamin C. Chúng sẽ giúp cải thiện lưu lượng máu trong cơ thể và giúp tăng cường hấp thu sắt. Nên sử dụng từ 100-200g quả chín/ngày.

Người bị thiếu máu nên lưu ý

  • Hạn chế sử dụng trà, cà phê vì có chứa tannin làm ức chế khả năng hấp thu sắt.
  • Bổ sung sắt hoặc đa vi chất dinh dưỡng theo chỉ định của bác sĩ.
  • Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun, sán.
  • Tuân thủ chỉ định của nhóm điều trị (Bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc, và tư vấn viên khoa dinh dưỡng) để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.

Chế độ dinh dưỡng dành cho trẻ em bị thiếu máu

Nguyên nhân gây thiếu máu ở trẻ em

Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và tinh thần của trẻ sau này. Đặc biệt có thể gây ra các rối loạn về tâm thần và vận động. Do vậy việc phát hiện và điều trị kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.

Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em. Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất là cung cấp sắt không đủ. Chế độ ăn thiếu sắt như thiếu sữa mẹ, uống sữa công thức không bổ sung sắt, cho ăn bột thiếu thức ăn nguồn gốc động vật. Ở trẻ đẻ non, thiếu cân lúc đẻ và trẻ sinh đôi, lượng sắt dự trữ được cung cấp qua tuần hoàn rau thai ít nên cũng dễ thiếu sắt.

Một nguyên nhân khác là do hấp thu sắt kém: trẻ bị tiêu chảy kéo dài, rối loạn hấp thu, có dị dạng ở dạ dày ruột. Hoặc do tình trạng mất sắt mạn tính, gặp trong nhiễm giun móc, loét dạ dày- tá tràng, polyp ruột, chảy máu cam, hành kinh (trẻ gái dậy thì)… Ngoài ra các trường hợp trẻ trong giai đoạn lớn nhanh, dậy thì nhu cầu sắt cao trong khi cung cấp không đủ cũng có thể bị thiếu máu thiếu sắt.

Nguyên tắc chế độ ăn dành cho trẻ em bị thiếu máu

  • Cho trẻ ăn theo nhu cầu khuyến nghị (theo tuổi, cân nặng, chiều cao, giới tính).
  • Ăn đa dạng các nhóm chất theo ô vuông thức ăn của trẻ.
  • Tăng cường các thực phẩm giàu sắt trong thực đơn hằng ngày của trẻ.
  • Bổ sung các loại quả có chứa nhiều vitamin C: nho, bưởi, cam, quýt, dâu tây.… để giúp hỗ trợ hấp thu sắt.
  • Sử dụng các nguồnthực phẩm giàu chất sắt bao gồm: Thịt đỏ và nội tạng (thịt bò, thịt cừu, thịt lợn, thận, gan, tim, dồi tiết…). Trứng (mẹ nên cho trẻ ăn 3-4 quả trứng/tuần). Cá và động vật có vỏ (cá mòi, cá mòi cơm, cua, cá cơm, tôm, hến). Mẹ nên cho trẻ ăn 3-4 bữa cá/tuần. Các loại hạt (đậu phộng, quả hồ đào, quả óc chó, hạt mè, hạt hướng dương, hạt thông). Các loại rau có lá xanh (bông cải xanh, rau bó xôi, cải xoong, cải xoăn). Ngũ cốc và các sản phẩm ngũ cốc (bánh mì, bột ngô, bột cám, bánh yến mạch, lúa mạch đen). Đậu và các loại đậu (đậu nướng, đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu xanh, đậu mắt đen…).

Người bị bệnh thiếu máu nên tăng cường các thực phẩm giàu sắt

Cách phòng tránh bệnh thiếu máu, thiếu sắt

  • Bổ sung sắt trong suốt thời kỳ mang thai.
  • Đối với phụ nữ có thai, liều bổ sung là 60mg sắt/ngày và 400 µg folic acid trong suốt thời gian có thai.
  • Sau khi sinh bổ sung tiếp 3 tháng với liều tương tự như khi có thai đối với phụ nữ cho con bú.
  • Bổ sung sắt định kỳ cho phụ nữ không mang thai: bổ sung sắt/acid folic mỗi tuần 1 viên trong 3 tháng, 3 tháng nghỉ, sau đó tiếp tục bổ sung 3 tháng. Nếu khả thi, lặp lại chu kỳ này trong năm.
  • Đối với phụ nữ có thai thiếu máu: bổ sung sắt/acid folic mỗi ngày một viên trong suốt thời gian mang thai
  • Nên nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoặc sữa bổ sung sắt dành cho trẻ trong năm đầu đời, vì sắt trong sữa mẹ được hấp thu hơn sữa bột.
  • Thực hiện chế độ ăn cân đối giàu sắt, vitamin như thịt màu đỏ (thịt bò, thịt trâu…), hải sản, thịt gia cầm, trứng, bột bánh mì, đậu, lạc, các loại rau xanh đậm như rau ngót, dền, muống,… Kết hợp các loại thực phẩm khác nhau làm cho bữa ăn cân đối hơn về giá trị và vi chất dinh dưỡng. Đồng thời làm tăng hấp thu sắt bằng uống nước hoa quả như cam, chanh khi ăn thức ăn nhiều sắt.
  • Không nên uống trà, cà phê ngay sau ăn.

Nguồn: vienhuyethoc.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *