Măng cụt Lái Thiêu-niềm tự hào của người dân Thuận An

Măng cụt Lái Thiêu-niềm tự hào của người dân Thuận An

Kim ngạch xuất khẩu của nước ta đang ngày càng tăng. Điều này không chỉ góp phần phát triển kinh tế nước ta mà còn cho thấy sản phẩm Việt đang dần góp mặt vào thị trường thế giới. Sản phẩm Việt Nam với nét đặc trưng riêng, chất lượng tốt và đảm bảo an toàn đã được nhiều nơi trên thế giới ưa chuộng. Trong đó có thể kể đến ngành hàng được ưa thích nhất chính là  nông sản. Cụ thể là các loại trái cây. Trái cây nước ta đa dạng và phong phú. Cho đến nay, ngày càng có nhiều loại trái cây đạt tiêu chuẩn được xuất khẩu hơn. Mới đây nhất chính là Măng cụt Lái Thiêu.

Măng cụt là loại trái cây thơm ngon với vị chua chua ngọt ngọt. Măng cụt được trồng nhiều ở vùng Đông Nam Bộ. Không phải mùa nào cũng có măng cụt. Với khí hậu thuận lợi, măng cụt nước ta cho quả to, múi nhiều cơm, …Vì vậy được yêu thích không chỉ trong mà còn ngoài nước. Hãy cùng chúng tôi về Bình Dương và tìm hiểu về loài trái cây đặc trưng Đông Nam Bộ này nhé!

Thị xã Thuận An, Bình Dương- mảnh đất của Măng cụt

Thị xã Thuận An – Bình Dương Không là nơi quy tụ nhiều khu công nghiệp. Đây còn là mảnh đất trù phú với nhiều loại cây trái đặc thù miền Đông Nam bộ. Riêng măng cụt Lái Thiêu đã trở thành một thương hiệu được biết đến trong và ngoài nước. Hiện tại, người dân vùng này rất tự tin khi măng cụt xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc!

Thị xã Thuận An, Bình Dương- mảnh đất của Măng cụt

Ưu điểm ở đây là có bồi đắp phù sa của sông Sài Gòn. Thêm nữa là hệ thống thủy lợi được đầu tư bài bản. Vì vậy người làm vườn tại Thuận An rất tự hào về những sản phẩm trồng trọt của họ. Nhất là trái măng cụt được mệnh danh “nữ hoàng” trong vương quốc trái cây.

Măng cụt Lái Thiêu được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể

Tháng 8/2013, Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ đã chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu” với thời gian sở hữu thương hiệu 10 năm. Để gìn giữ và phát triển thương hiệu “Măng cụt Lái Thiêu”, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã có Quyết định 63/2016/QĐ-UBND ban hành một số chính sách hỗ trợ vườn cây đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2021. Vì vậy, việc mở rộng thị trường quốc tế cho măng cụt Lái Thiêu hoàn toàn thuận lợi.

Hội Nông dân thị xã Thuận An là đơn vị có quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu” cho biết, chỉ những loại măng cụt đạt yêu cầu chất lượng, được trồng và thu hoạch tại thị xã Thuận An mới được phép sử dụng nhãn hiệu “Măng cụt Lái Thiêu” để dán lên sản phẩm.

Măng cụt Lái Thiêu
Măng cụt Lái Thiêu hướng đến xuất khẩu

Gọi là măng cụt Lái Thiêu, nhưng loại trái cây này không chỉ được trồng trên diện tích nhỏ hẹp của phường Lái Thiêu đang thịnh vượng mua bán như một khu vực trung tâm của thị xã Thuận An. Măng cụt Lái Thiêu được trồng nhiều nhất tại xã An Sơn và rải rác ở các phường Bình Nhâm, Cầu Ngang, Hưng Định, An Thạnh…

Một thách thức mà măng cụt Lái Thiêu đang phải đối mặt là tốc độ đô thị hóa. Nằm giữa TP.HCM và thành phố Thủ Dầu Một, giá đất ở Thuận An tăng vọt theo nhu cầu giãn dân. Dù không đắt đỏ như giá đất ở phường Lái Thiêu, nhưng giá đất ở các phường khác cũng đầy… khiêu khích cho mơ ước rời bỏ ruộng vườn để làm giàu nhanh chóng của nhiều người.

Vườn măng cụt của chú Long

Chủ vườn măng cụt Trần Tuấn Long năm nay gần 50 tuổi ở phường An Thạnh chia sẻ: “Nhà tôi có 2.000 mét vuông do tổ tiên để lại, ngoài diện tích đang sử dụng sinh hoạt và trồng ít rau củ thì có 63 gốc măng cụt. Mỗi mùa măng cụt, gia đình tôi tự thu hái, cũng chỉ kiếm được 40 triệu đồng. Nhiều tay môi giới địa ốc đến trả giá 15 triệu/m2 đất. Nếu tôi bán đi, đem tiền gửi ngân hàng thì không phải lo cái ăn cái mặc nữa.

Thế nhưng, tôi vẫn đi làm công nhân để có thu nhập thường xuyên mưu sinh. Tôi không nỡ bỏ vườn cây. Vì có gốc măng cụt do ông nội của tôi trồng từ 80 năm trước, cũng có gốc măng cụt do cha của tôi trồng từ khi tôi còn chập chững tập đi. Tôi cũng thèm được cầm tiền tỷ trong tay lắm chứ. Nhưng chuyển nhượng vườn măng cụt cho người ta phân lô bán nền thì tôi có lỗi với cha ông mình!”.

Mùa măng cụt ở thị xã Thuận An

Mùa măng cụt ở thị xã Thuận An

Nhiều người xem măng cụt không chỉ là một loại trái cây độc đáo mà còn là một di sản của tiền nhân. Nên toàn thị xã Thuận An vẫn đang có 650ha trồng măng cụt. Mỗi năm, măng cụt cho trái một lần.

Tháng 11 âm lịch, măng cụt ra hoa và 5 tháng sau thì chín rộ khắp vườn. Trung bình, mỗi ha măng cụt thu được 2,9 tấn trái. Tuy nhiên, giá bán măng cụt lại dao động khác nhau, phụ thuộc vào mức độ trái chín mà nhà vườn thu hái. Mùa măng cụt 2019 vừa qua, đầu vụ giá 80 ngàn đồng/kg, giữa vụ 40 ngàn đồng/kg, cuối vụ lại lên 110 ngàn đồng/kg. Dù vậy, giá măng cụt Lái Thiêu vẫn cao nhất so với măng cụt từ những vùng khác!

Măng cụt Lái Thiêu tự tin xuất khẩu

Măng cụt Lái Thiêu

Ở xã An Sơn, nơi tập trung nhiều chủ vườn măng cụt nhất của thị xã Thuận An, bà Út Nhiều là một nhân vật hầu như người nào quan tâm đến loại trái cây này cũng biết mặt, biết tên.

Bà Út Nhiều là dân Hóc Môn – TP.HCM về đây làm dâu từ nửa thế kỷ trước. Bà có kinh nghiệm của người trực tiếp trồng trọt cộng với tư duy nhạy bén của người kinh doanh. Thế nên bà Út Nhiều mở đại lý thu mua măng cụt rất uy tín. Mỗi mùa măng cụt cho trái chín, kéo dài khoảng 1,5 tháng.

Mỗi ngày, bà Út Nhiều thu mua trên 2 tấn măng cụt. Về triển vọng măng cụt Lái Thiêu xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bà Út Nhiều tự tin: “Nếu được hỗ trợ tiếp tục về kỹ thuật sau thu hoạch, thì măng cụt Lái Thiêu có thể ra khỏi biên giới một cách ngon lành”.

Ông Lê Hồng Minh – Giám đốc công ty trái cây Navifood nhận định: “Đưa măng cụt Lái Thiêu vào thị trường chính ngạch Trung Quốc cũng là một cơ hội cho các chủ vườn trên địa bàn thị xã Thuận An. Giá xuất khẩu dĩ nhiên sẽ cao hơn giá trong nước, đồng thời cũng giúp chủ vườn không bị ép giá vào giữa vụ măng cụt chín rộ. Tuy nhiên, để có số lượng lớn phục vụ xuất khẩu thì phải có kế hoạch cụ thể để hợp tác đặt hàng với các chủ vườn!”.

Cùng khám phá những sản phẩm Việt Nam đang được các nước khác yêu thích tại đây.

Nguồn: tuhaoviet.vn