Bạn đã biết cách lấy lại bình an khi ly hôn hiệu quả nhất?
Hôn nhân êm đềm, hạnh phúc là mong muốn của rất nhiều cặp đôi khi quyết định chung sống với nhau. Tuy nhiên, cuộc sống thường ngày với quá nhiều áp lực lại khiến hai người dần xa rời nhau. Ly hôn có lẽ là điều không thể tránh khỏi khi hôn nhân không còn cứu vãn được. Lúc này, bạn cần có cách lấy lại bình an khi ly hôn để tránh bị suy sụp, suy nghĩ tiêu cực. Những phương pháp này sẽ giúp bạn giảm bớt những tổn thương trong tâm hồn của mình.
Ly hôn xảy ra khi nào?
Kết thúc bất cứ một mối quan hệ nào thì cũng thật đáng buồn. Không phải tất cả cuộc hôn nhân tan vỡ đều có thể hàn gắn và tái kết nối. Một mối quan hệ đã đi đến tận cùng một giới hạn nào đó thì ly hôn là điều tất yếu.
Đối diện với quyết định ly hôn sẽ dẫn đến hàng loạt những xáo trộn và thay đổi lớn trong cuộc sống. Thậm chí đưa bạn vào tình trạng hết sức bị động trong nhiều mặt. Điều quan trọng nhất là có thể lấy lại sự bình an trước, trong và sau ly hôn. Điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn có đủ bình tâm và bình an nhìn về việc ly hôn trong sự sáng suốt nhất hay không.
Những quan niệm sai lầm khi vợ chồng ly hôn
Ly hôn ảnh hưởng không tốt đến con cái
Hôn nhân xét về mặt pháp lý, đó là một hợp đồng trước pháp luật. Và sâu hơn nữa thì đó là một cam kết về mặt tâm linh.
Nhưng người ta chỉ chủ ý đến vấn đề pháp luật (như phân chia tài sản, việc nuôi con cái, ràng buộc các trách nhiệm…). Mục đích là nhằm duy trì trật tự xã hội, không tạo ra rối loạn. Trên quan điểm đó, nhiều người nói rằng đi đến quyết định ly hôn thì tội nghiệp cho những đứa con. Bởi chúng sẽ thiếu người chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ…
Nhưng người ta quên đi rằng đời sống cảm xúc và tâm linh của đứa trẻ cũng sẽ bị tổn thương. Nhất là khi chúng sống trong một môi trường mà ba mẹ chúng thường xuyên gây gổ, cãi vã, căng thẳng, nặng nề, tiêu cực… với nhau.
Chính quan niệm này mà nhiều người không dám tiến đến quyết định ly hôn. Cho dù mối quan hệ đã không còn cứu vãn được nữa. Hoặc dẫu phải ly hôn thì luôn mang lấy một mặc cảm tội lỗi với con cái.
Ly hôn đồng nghĩa đến thất bại
Không chỉ là quan niệm sai lầm này, mà còn nhiều quan niệm sai lầm khác về ly hôn. Ví dụ như: ly hôn đồng nghĩa với thất bại, đến mức người ta phải cố để xác định ai bỏ ai. Hoặc đánh giá người bị bỏ là người thất bại trong hôn nhân. Một số khác còn quan niệm ly hôn thì đồng nghĩa với việc tình yêu trong đời mình chấm dứt. Để rồi sau đó những người đã từng ly hôn mãi mãi đóng cửa trái tim mình… Nhưng nếu ly hôn là việc không thể tránh khỏi, thì chúng ta cần phải có cái nhìn đúng về nó, cũng như có cách lấy lại bình an khi ly hôn.
Cái nhìn đúng đắn về việc ly hôn
Ly hôn là kết thúc một chặng đường
Ly hôn chỉ là kết thúc một chặng đường trong cuộc đời với một người mà thôi. Bạn nhận ra người ấy bây giờ không còn dành cho mình nữa. Bạn có thể xem như mình đang rẽ sang một con đường mới. Bạn sẽ nhận ra rất nhiều điều phía trước đang chờ đợi bạn. Cuộc sống của bạn vẫn tiếp tục cho dù cho người ấy hay không. Tuy nhiên, lựa chọn bước trên quãng đường tiếp theo trong tâm thế vui vẻ hay u sầu là ở bạn. Vậy tại sao không mạnh dạn đối mặt và vượt qua những khó khăn khiến bạn đau khổ?
Ly hôn không có nghĩa là chấm hết
Ly hôn không hề là dấu chấm hết, mà là cơ hội để bạn soát xét lại mình. Dẫu đó là lựa chọn sai lầm hay là bạn đã hoàn thành chặng đường với những bài học của mình. Vì kỳ thực, hôn nhân chính là cái gương để bạn soi mình rõ nhất. Con người bạn như thế nào thì bạn sẽ thể hiện ra ngoài như thế. Nhất là trong một mối quan hệ mà bạn không thể diễn liên tục ngày này qua năm nọ được.
Hãy nhìn vào mặt tích cực rằng, bạn đã có một hành trang đầy đặn hơn so với thời điểm bạn bước vào hôn nhân. Và xác xuất để bạn đến được với một người khác và tái hôn để hướng đến hạnh phúc là hoàn toàn khả thi. Thực tế chứng minh là một người ly hôn có khả năng tái hôn rất cao. Miễn là họ có niềm tin đúng đắn và thật lòng muốn xây dựng hạnh phúc gia đình.
Nỗi đau khi ly hôn là không thể tránh khỏi
Phản ứng của một số người với nỗi đau quá lớn từ việc ly hôn thường khá khác nhau. Họ thể hiện ra ngoài rằng mình mạnh mẽ, mình ổn thỏa, mình không cần người kia, mình không quá đau đớn vì sự gãy đổ này… Từ đó họ tỏ ra không cần đàn ông, hay đàn bà nữa. Bởi họ như “con chim sợ cành cong”. Khi có người quan tâm đến họ, họ từ chối và bảo “chẳng thèm”…
Nhưng đó thật sự là biểu hiện của việc bị tổn thương. Vì thế, họ dựng lên một bức tường bảo vệ trái tim mình để tránh nguy cơ có thể bị tổn thương thêm lần nữa.
Kỳ thực không thể chối bỏ ly hôn có đau khổ. Thậm chí đến mức tâm lý học còn xem nỗi đau này tương đương với một mất mát lớn. Rất nhiều người hoàn toàn đánh mất bản thân, bệ rạc, sa sút nghiêm trong sau ly hôn – cả đàn ông lẫn phụ nữ. Rõ ràng, nếu không biết cách chữa lành và tự vực dậy. Ly hôn đối với nhiều người như là một quá trình đớn đau dai dẳng, có thể đeo đuổi bạn suốt đời. Thay vì đó, tại sao bạn không lựa chọn cách vị tha với bản thân và cả người ấy. Bạn sẽ thấy tâm hồn mình thanh thản và thoải mái hơn rất nhiều.
Đừng xem ly hôn như một thất bại
Đừng nhìn ly hôn như một thất bại để rồi bạn giữ nỗi đau đó nơi riêng mình. Đừng ngần ngại tìm người hoặc nơi để chia sẻ nỗi đau. Hãy dũng cảm thể hiện là mình đang đau khổ và cần sự hỗ trợ của người khác.
Hãy để nước mắt rơi và đón nhận sự an ủi, động viên để bạn được nâng đỡ và nhẹ nhàng hơn. Bởi vì đó là cách tự nhiên nhất để bạn chữa lành những cảm xúc tiêu cực nội tâm.
Ly hôn không phải cách né tránh hay buông xuôi hi vọng trong mối quan hệ
Tuy nhiên, bạn đừng lao vào ly hôn chỉ để né tránh sự bất lực trong việc xử lý các vấn đề trong mối quan hệ, né tránh những đớn đau cần phải trải để trưởng thành. Hay là chỉ để buông xuôi và hy vọng một cách không có căn cứ rằng thoát khỏi mối quan hệ này thì mình sẽ nhẹ nhàng.
Giống như bạn đang đi một đôi dép chật, thoát khỏi nó bạn sẽ thấy thoải mái. Nhưng không có điều gì đảm bảo sau đó bạn sẽ ổn thỏa hơn.
Cân nhắc cẩn thận về quyết định về ly hôn
Tự đặt ra những câu hỏi cho bản thân
Vậy hãy cân nhắc quyết định ly hôn của mình. Chính xác hơn là hãy chiêm nghiệm, xem xét lại cuộc hôn nhân của mình. Bạn tự hỏi xem lý do chúng ta cưới nhau là gì? Mục đích hôn nhân của mình là gì? Những điều tốt đẹp nào mà đối phương đã dành cho bạn? Những bài học rút ra từ đau khổ? Mình trưởng thành như thế nào trong mối quan hệ này?… để bớt thấy đau khổ và mất mát hơn khi hướng về mặt tích cực luôn có của mọi vấn đề.
Trong các cuộc tư vấn về ly hôn, chuyên gia thường đặt câu hỏi: Bạn đã từng có kỷ niệm nào tốt đẹp với vợ/chồng của mình? Bạn hãy nhớ lại những lúc vui vẻ mà hai người đã trải qua bên nhau? Bạn có nhớ đã từng có những khoảnh khắc nào không thể quên? Khi gợi cho khách hàng nhớ lại những điều tốt đẹp trong mối quan hệ của họ. Nét mặt của họ giãn ra, ánh mắt họ ánh nên những niềm vui… Dù hiện tại cuộc sống hôn nhân của họ đang đau khổ, dằn vặt đến mức nào.
Việc này có ý nghĩa rất nhiều trong việc giúp họ giảm bớt sự khó chịu và căm thù dành cho người kia… Rồi khi họ kể ra những đau khổ, những lần cãi vã, sự phản bội đớn đau…. Những câu hỏi cơ bản chuyên gia thường hỏi là: “Anh/ chị học được bài học gì, có điều gì tốt để có thể cải thiện cho mối quan hệ khác hay cuộc hôn nhân sau, nếu có…”.
Bình tĩnh để nhận ra những điều tốt đẹp
Khi bình tĩnh để nhìn ra những điều tốt đẹp, bạn có thể nhận ra những bài học dành cho mình. Bạn sẽ dễ dàng đón nhận và vượt qua biến cố này. Ly hôn không phải là giải pháp duy nhất. Bạn có thể nhờ sự can thiệp của bên ngoài như nhà tư vấn, những người hiểu rõ chuyện hai bên. Vợ chồng bạn cũng có thể cùng ngồi xuống, cởi mở, dẹp cái tôi. Từ đó tìm ra giải pháp để giải quyết những cái chung lớn lao như con cái. mục đích chính của hôn nhân, những phần thưởng của đời sống gia đình…
Ly thân cũng là một lựa chọn tốt
Ngoài ra, bạn cũng có thể ly thân. Nnếu biết cách thì ly thân cũng là công cụ hữu ích để hai vợ chồng có thể quay về với nhau. Bạn có thể sống xa nhau 1 tuần, 1 tháng, vài tháng…. Mà bình thường trong hôn nhân không thể làm được. Thời gian ly thân hãy kiểm tra và suy ngẫm về cuộc hôn nhân. Bạn hãy tự chăm sóc bản thân, tự ngẫm nghiệm về cuộc hôn nhân. Từ đó bạn sẽ trưởng thành hơn, sẽ không đổ lỗi cho nhau. Có thể bạn sẽ tìm được lối đi tốt nhất để chữa lành đời sống hôn nhân hoặc chữa lành chính mình.
Cuối cùng, khi cặp đôi không thể quay trở lại với nhau được nữa. Ly hôn mới là cách giải quyết sau cùng để chấm dứt cho cuộc hôn nhân. Nhưng không vì thế mà mọi thứ đều trở nên tiêu cực.
Khi bạn có cái nhìn đúng đắn và sáng suốt về ly hôn như phân tích ở trên. Hai bạn sau ly hôn vẫn hoàn toàn có thể trở thành bạn tốt của nhau. Từ đó giúp cho con có môi trường tốt để phát triển. Khi yêu nhau và kết hôn là điều tốt đẹp nhất đối với cả hai. Thì khi ly hôn, hãy để lại cho nhau những dấu ấn tốt đẹp nhất về đối phương. Để quãng thời gian bên nhau như những kỷ niệm, trải nghiệm khiến bản thân trưởng thành hơn.
Tha thứ là cách lấy lại bình an khi ly hôn sáng suốt
Để có thể chữa lành đớn đau và trở về trái tim nguyên vẹn thì bạn phải học cách tha thứ. Đó là cách lấy lại bình an khi ly hôn sáng suốt để có thể buông bỏ những chuyện đã qua. Buông bỏ được những tổn thương mà người kia đã từng gây ra cho bạn trong đời sống hôn nhân cũ, đặc biệt là trong tiến trình ly hôn.
Nếu có sự thấu hiểu sâu sắc thì bạn sẽ nhận ra rằng, những gì người kia làm tổn thương bạn chẳng qua là bởi họ cũng bị tổn thương. Đó có thể từ tuổi thơ, từ mối quan hệ trước. Hoặc là sự phản ứng trả thù bởi tổn thương mà chính bạn gây ra cho họ…. Việc tha thứ sẽ giúp bạn tự do thoát khỏi sự tức giận. Khiến bạn luôn bị mắc kẹt với người kia dẫu đã ly hôn.
Tha thứ là cho bạn, không phải cho người kia. Tha thứ để bạn bước qua chuyện cũ, khép lại một chương đã qua trong cuộc hôn nhân không còn gì níu kéo. Tha thứ sẽ giúp bạn vượt qua hận thù để chuyển hóa bản thân mình, biết đón nhận quá khứ và bình yên tiến về phía trước. Hướng đến những điều tốt đẹp hơn cho bản thân mình. Đó cũng là lúc bạn biết sống trọn vẹn với hiện tại, biết yêu thương bản thân mình đúng nghĩa. Đó chính là nền tảng cho tình yêu đích thực và nguyên vẹn sẽ lại tuôn chảy vào lại đời bạn – như chưa từng có cuộc chia tay.
Nguồn: giadinh.net.vn